SP011642
Thaihabooks
Sách - Đạo Phật Của Tuổi Trẻ (Tái Bản)
118,000đ
139,000đ
Thông tin kho hàng
Chi nhánh trung tâm
Số 35 phố Quang Trung, thị xã Sơn tây - Phường Quang Trung - Thị xã Sơn Tây - Hà Nội
3 sản phẩm có sẵn
Thông số sản phẩm
Tác giả | Thích Nhất Hạnh |
Thể loại | Phật giáo |
Số trang | 376 |
Kích thước | 15,5x24cm |
Loại bìa | Mềm |
Xuất bản | NXB Kim Đồng |
Năm phát hành | 2022 |
Mô tả chi tiết
Đạo Phật Của Tuổi Trẻ
Đạo Phật của tuổi trẻ là tổng hợp các bài giảng của Sư ông Thích Nhất Hạnh cho Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ trong các khóa tu năm 1997, 1998, và 1999 tại chùa Vạn Hạnh, Cali và tại đạo tràng Thanh Sơn, tiểu bang Vermont. Cuốn sách được tạm chia thành các chương riêng biệt để độc giả tiện theo dõi nên không theo thứ tự thời gian.
Gia đình Phật tử là một trong những thành trì cuối cùng mà chúng ta còn giữ được. Gia đình Phật tử có mặt cũng là để bảo vệ cho con em của ta, để ta đừng bị mất mát, đừng đi vào con đường tan rã. Gia đình Phật tử nằm giữa hai bên và có thế đứng cũng như sứ mệnh của nó. Một bên là học đường, một bên là gia đình. Gia đình Phật tử cũng được cấu tạo bởi những thành viên giống như những gia đình khác. Trong đó có người lớn đóng vai trò phụ huynh và có người nhỏ đóng vai trò con em. Mỗi đoàn sinh của Gia đình Phật tử đều có hai gia đình: gia đình tâm linh là Gia đình Phật tử và gia đình huyết thống. Hai gia đình này hỗ trợ cho nhau và sự tu tập của gia đình tâm linh sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho gia đình huyết thống của đoàn sinh.
Tất cả chúng ta đều biết rằng mục đích của Gia đình Phật tử là để nuôi dưỡng đạo đức của mỗi đoàn sinh từ Oanh vũ cho đến Huynh trưởng. Nuôi dưỡng đạo đức để cải thiện nếp sống gia đình, cải thiện nếp sống học đường và cải thiện nếp sống xã hội. Chúng ta phải có một đường lối giáo dục rõ ràng mới có thể làm được điều đó. Ai cũng biết điều đó, nhưng thực sự thì chúng ta đã và đang làm được gì, nhất là trong khi chúng ta rất lẻ loi, không có sự yểm trợ của học đường, không có sự yểm trợ của gia đình? Làm thế nào để có một thế liên kết giữa Gia đình Phật tử và gia đình huyết thống cũng như giữa Gia đình Phật tử với học đường?
Khi một cái cây đã già cỗi thì chúng ta phải biết phương pháp làm cho cái cây đó mạnh mẽ trở lại. Một cái cây có thể có nhiều gốc rễ và nếu chất liệu dinh dưỡng trong lòng đất không đầy đủ thì chúng ta phải làm sao để tăng cường, để bồi dưỡng chất liệu dinh dưỡng đó? Nếu một vài cái rễ dưới đất mà tìm ra được một vùng đất mới có nhiều chất dinh dưỡng thì chính những cái rễ đó sẽ đi xa để mang dinh dưỡng về cho toàn cây và sẽ đem lại sinh lực mới cho cây. Cây là tượng trưng cho một thực tại sinh động, luôn luôn chuyển biến và lớn lên. Khi cái cây ngừng lớn là bắt đầu thoái hóa. Vì vậy ta phải làm mọi cách có thể để cho cái cây Gia đình Phật tử tiếp tục lớn mạnh, đừng để cho nó bị thoái hóa.
Mục lục:
Dựng lại gia đình
Huynh trưởng gia đình Phật tử
Sứ mạng Huynh trưởng
Giáo lý căn bản
Thực tập căn bản
Pháp thoại cho người trẻ
Tụng giới để được nhắc nhở về sự thực tập
Tư liệu mới
Nhạc kinh
Lời cuối
Trích đoạn hay:
Một niềm tin chung
Trên con đường về Đạo Tràng Thanh Sơn sau khi mãn khóa tu ở Omega Institute tại tiểu bang New York, tôi thấy một pano quảng cáo như thế này: “Có vấn đề hả? Tại sao không thử cầu nguyện đi?” Và cách đó không xa có một pano khác viết: “Gia đình nào biết cầu nguyện chung thì không tan rã”. Chắc chắn là nhà thờ nào đó đã dựng lên hai tấm bảng ấy. Đó là sự thực tập của những người Tin Lành và những người Cơ Đốc. Họ tin rằng nếu trong gia đình mà mọi người cùng quỳ xuống cầu nguyện thì gia đình đó có cơ hội không bị tan rã, không bị chia năm xẻ bảy. Bởi vậy, tấm bảng đó có ý nói rằng nếu trong gia đình quý vị có những sự lộn xộn, chia rẽ, khổ đau thì quý vị phải thực tập cầu nguyện với nhau mỗi ngày. Cầu nguyện Thượng Đế, cầu nguyện Mẹ Maria, cầu nguyện Chúa Kitô, và phương pháp cầu nguyện có thể gọi là phương pháp gần như duy nhất để thực tập trong giáo lý của Cơ Đốc giáo. Và khi tất cả mọi người trong gia đình có chung một đối tượng để cầu nguyện thì những khó khăn, những khổ đau của gia đình đó cũng sẽ giảm bớt. Gia đình đó có cơ hội được lành lặn và không bị tan rã. Tôi thấy có một phần sự thật trong các phát ngôn ấy. Tại vì khi chúng ta cùng có một niềm tin và biết cùng nhìn về một hướng thì gia đình chúng ta có nhiều cơ hội để tồn tại hơn mà không bị tan vỡ hay chia rẽ. Chúng ta thuộc về truyền thống đạo Bụt, chúng ta cũng có những phương pháp thực tập như tụng kinh, hộ niệm, niệm Bụt. Chúng ta cũng tin tưởng rằng nếu chúng ta biết tập họp gia đình lại để cùng tụng kinh, cùng niệm Bụt thì chúng ta sẽ có cơ hội hàn gắn lại những đổ vỡ, thiết lập lại truyền thông trong gia đình và giữ cho gia đình không bị tan rã. Nhưng ngoài phương pháp tụng kinh, niệm Bụt và hộ niệm ra còn có rất nhiều phương pháp khác mà nếu học được, nắm vững được thì chúng ta sẽ thành công hơn trong sự duy trì liên hệ gia đình và giúp cho gia đình chúng ta được vững chãi và hạnh phúc. Đức Thế Tôn đã dạy rất nhiều pháp môn, chỉ cần mang một vài pháp môn đó ra để thực tập thì chúng ta đã có thể thiết lập được sự vững chãi, sự toàn vẹn của gia đình mình.
Trở về để khám phá Cấu trúc của gia đình Việt Nam có khác với cấu trúc của gia đình Bắc Mỹ, nhưng khi chúng ta đã rời quê hương để sang đó sinh sống thì chúng ta bắt đầu bị ảnh hưởng lối sống của người Bắc Mỹ. Vì vậy chúng ta cũng bắt đầu có những vấn đề như người Bắc Mỹ. Tôi nhớ hồi đồng bào mới bắt đầu di cư sang phương Tây, ở châu Âu cũng như ở châu Mỹ, con cái của chúng ta học rất giỏi ở các trường tiểu học. Các cháu đứng đầu lớp là chuyện thường. Nhưng sự kiện đó chỉ kéo dài được năm hoặc sáu năm thôi và sau đó việc học của các cháu bắt đầu đi xuống. Nhìn cho kỹ thì ta thấy rằng, ban đầu, cấu trúc của gia đình còn rất vững nên em bé an tâm và thành công trong sự học tập. Nhưng khi gia đình bắt đầu bị lung lay, bị ảnh hưởng bởi nếp sống phương Tây, khi người cha, người mẹ, người anh, người chị có những khổ đau mới, cộng với những khổ đau của người xa xứ, thì em bé mất chỗ nương tựa vững chãi từ gia đình, vì vậy em bé không còn học giỏi nữa. Điều này nếu quý vị học về xã hội học, nhân chủng học hoặc từng lưu tâm tới thì quý vị cũng trông thấy. Một vị dược sĩ hành nghề ở Canada cho tôi biết rằng ban đầu thanh niên Việt Nam không vướng vào vòng ma túy và không cần đến thuốc ngủ hay thuốc an thần. Những người mua thuốc ngủ và thuốc an thần.
toàn là người phương Tây. Nhưng chừng sáu bảy năm sau thì đồng bào ta bắt đầu tới mua thuốc ngủ và thuốc an thần. Điều đó cho thấy rằng chúng ta đã chịu ảnh hưởng bởi lối sống của xã hội phương Tây. Nếp sống tâm linh, nếp sống tinh thần cũng như nếp sống gia đình của chúng ta đã bị ảnh hưởng một cách nặng nề và chúng ta bắt đầu khổ đau, những khổ đau của người phương Tây, cộng thêm những khổ đau đã có sẵn. Trước đó cấu trúc gia đình của người Việt khá vững chãi nhưng sau đó đã từ từ bị lung lay và những chuyện như cha từ con, vợ bỏ chồng hay vợ chồng ly dị nhau bắt đầu xảy ra ở những gia đình người Việt. Ai mà không có ước muốn giữ cho gia đình mình được nguyên vẹn và hạnh phúc? Thế mà mấy ai trong chúng ta làm được chuyện đó, có thể giữ cho gia đình mình được toàn vẹn, hòa thuận và thương yêu? Nếu chúng ta không trở về để khám phá ra những nguyên tắc đạo lý, những phương pháp thực tập ở trong truyền thống tâm linh của chúng ta thì chúng ta không có cách gì để cứu vãn được tình trạng của bản thân và của gia đình. Người trẻ Việt Nam sống ở hải ngoại bây giờ cũng lâm vào tình trạng của người trẻ ngoại quốc và chúng ta không có phương tiện nào để bảo vệ chúng ta cả. Chúng ta nói rằng chúng ta theo đạo Bụt, chúng ta có nếp sống tâm linh. Nhưng điều đó chỉ có thể đúng một phần thôi, nhất là trên phương diện danh từ và lý thuyết. Trên phương diện hình thức, chúng ta là con của Bụt, là học trò, là đệ tử của thầ Đúng như vậy. Chúng ta có chùa tổ ở Việt Nam và chúng ta cũng có ngôi chùa thứ hai ở trong thành phố của chúng ta. Nhưng chưa chắc điều này đã đúng trên phương diện nội dung. Tại vì có thể chúng ta cũng còn cảm thấy bơ vơ, chúng ta cũng không có những phương tiện để bảo vệ bản thân và gia đình của chúng ta
[…]
Gia đình Phật tử là gia đình tâm linh
Mỗi đoàn sinh của Gia đình Phật tử đều có hai gia đình: gia đình tâm linh là Gia đình Phật tử và gia đình huyết thống. Hai gia đình này hỗ trợ cho nhau và sự tu tập của gia đình tâm linh sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho gia đình huyết thống của đoàn sinh. Cho nên trước hết ta phải công nhận là trong ta có những khổ đau. Ta phải ngồi với nhau và phải gọi được tên của những khổ đau đó. Gọi đúng tên của những khổ đau, đó có thể là sự chia rẽ, sự ganh tỵ, sự thù hằn, sự thiếu truyền thông giữa các Huynh trưởng, giữa các đoàn sinh. Khi đã chấp nhận điều này rồi ta mới thấy có nhu yếu cấp bách để chuyển hóa tình trạng đó. Và lúc ấy ta sẽ bắt đầu hé thấy phương pháp . Điều đầu tiên là đừng có tưới tẩm những hạt giống xấu trong nhau, đừng làm cho nhau thêm giận hờn, bực tức, hận thù, ganh tỵ, sợ hãi. Trong ta, người nào cũng có những hạt giống xấu đó hết. Xuất gia hay tại gia đều có những hạt giống xấu trong lòng. Sinh hoạt chung trong một gia đình ta phải cẩn thận đừng tưới những hạt giống tiêu cực nơi người kia. Huynh trưởng đừng tưới cho nhau những hạt giống tiêu cực. Huynh trưởng cũng đừng tưới những hạt giống tiêu cực nơi đoàn sinh.
[…]
Ngày sẽ đẹp hơn
Ta thực tập như vậy và ta chỉ dẫn cho các con, các em ta cũng thực tập như vậy. Rồi một hồi thì chồng ta, vợ ta, cha ta, hay là anh ta sẽ thấy sự thay đổi. Thấy bây giờ sao ta trầm lặng, không hay nổi giận nữa. Thấy ta biết đi thiền, biết thở. Tự nơi bản thân của người đó sẽ phát sinh ra sự kính phục. Người đó sẽ thấy ta là người biết tu và ta bắt đầu chuyển hóa được tình trạng. Ta cũng có thể tập cho em bé, con của ta. Cháu cũng có quyền có một viên sỏi Hộ Trì. Ta có thể tổ chức một phòng thở ở trong nhà. Mỗi tối trước khi đi ngủ thì hai cha con vào trong phòng đó, ngồi xuống, thỉnh một tiếng chuông, nắm lấy viên sỏi, thực tập thở vào và thở ra. Những lúc đó là những lúc ta không có giận. Thở vào ta nói: “Bụt ơi!” Thở ra ta nói: “Có con ở đây”. Cứ thở vào: “Bụt ơi!” Thở ra: “Có con ở đây”. Ta tập cho cháu thực tập ba hơi thở với viên sỏi đó rồi mới cho cháu đi ngủ. Còn ta thì mỗi sáng trước khi đi làm, ta vào trong phòng thở, thắp một cây hương, ngồi xuống, thỉnh một tiếng chuông rồi thực tập với viên sỏi đó là một thói quen rất tốt. Các thầy, các sư cô mỗi khi rời Làng đi tổ chức khóa tu thì luôn luôn đi vào thiền đường, thắp một cây hương, thỉnh tiếng chuông, rồi lạy Bụt và lạy Tổ ba lạy trước khi khởi hành. Ta cũng vậy, mỗi sáng trước khi đi làm, đi vào dâng một cây hương, ngồi xuống thỉnh một tiếng chuông, thực tập ba hơi thở, lạy ba lạy rồi mới đi làm. Đó là nếp sống văn minh, có khách hay không có khách tới nhà, ta cũng làm như vậy. Người khách của ta, người Việt hay người ngoại quốc, thấy ta làm như vậy thì họ sẽ thấy nếp sống của ta rất đẹp. Không những người lớn làm phương pháp đó, mà các em bé cũng làm được phương pháp đó trước khi đi học. Vào thỉnh chuông, thở và lạy ba lạy trước khi đi học. Người phương Tây buổi sáng trước khi đi làm thì thường chúc nhau: “Have a good day!” (Chúc anh có một ngày đẹp). Nhưng đó chỉ là sự chúc tụng chứ chưa phải là sự thực tập. Còn ta bắt đầu một ngày bằng tiếng chuông, bằng ba hơi thở và ba cái lạy thì đó là ta đã thực tập, ta đã bắt đầu một ngày đẹp rồi. Đầu ngày ta đã biết tiếp xúc với tổ tiên tâm linh của ta thì ngày đó chắc chắn sẽ đẹp hơn và nhất là ta có đem viên sỏi đó đi theo, tức là tổ tiên của ta cũng đi theo để bảo hộ ta trong bất cứ trường hợp nào, khi sợ hãi, khi giận hờn, khi khó khăn để giúp ta giữ lòng cho thanh tịnh. Ta thực tập mà người khác đâu có biết ta đang thực tập, họ chỉ thấy ta rất bình tĩnh, rất vững chãi. Giá trị con người ta biểu lộ ra nơi sự vững chãi đó.
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!