SP013406

Thương hiệu:

NXB Tri Thức

Sách - Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị

165,750đ

195,000đ

Thông tin kho hàng
Hàng hóa hết tại các chi nhánh

Thông số sản phẩm

Tác giả Evgenij Viktorovič Tarle
Người dịch: Nguyễn Văn Chiến
Loại bìa Mềm
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 376
Năm XB: 2024
Xuất bản NXB Tri Thức
Mô tả chi tiết

Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị

Lời giới thiệu

Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị là một trong ba công trình kinh điển trong sự nghiệp sáng tạo chính luận - khoa học của viện sĩ, nhà sử học đáng kính E. V. Tarle, cùng với Napoléon (1936) và Cuộc tấn công của Napoléon vào nước Nga (1938). Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1939 (nằm trong bộ sách Cuộc đời danh nhân), được tái bản nhiều lần và dịch ra hàng chục thứ tiếng. 

Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của nhà sử học sau khi trở về từ nơi lưu đày ở Kazakhstan mùa hè năm 1932. 

Ngay từ những năm 1933 - 1934, Tarle đã viết tiểu sử Talleyrand để làm lời nói đầu cho cuốn Hồi ký của nhà ngoại giao Pháp2. Mặc dù khoa học lịch sử Liên Xô đã phát triển mạnh kể từ khi hai tác phẩm Napoléon và Talleyrand được xuất bản, hơn nữa các tác giả A. Z. Manfred và Yu. V. Borisov3 đã viết về hai danh nhân ấy trong các công trình của mình, và tác phẩm của họ khác với Tarle cả về mức độ đồ sộ trong tư liệu lẫn cách tiếp cận về quan niệm4, song Talleyrand của Tarle vẫn mãi là công trình kinh điển trong sử liệu học Xô viết và thế giới về nội dung, trở thành đài kỷ niệm cho thời kỳ Stalin, thời gian mà tác phẩm được viết. Sẽ là hoàn toàn thích hợp khi so sánh điều này với hiện tượng của văn học cổ điển Nga - trong cùng một thời đại có F. M. Dostoevsky và N. G. Chernyshevsky.

Để các bạn sinh viên và bạn đọc thời nay hiểu được tầm vĩ đại và tấn bi kịch của Tarle - nhà sử học, nhà khoa học, cần phải nghiên cứu những mốc chính trong tiểu sử của ông, sự phát triển hệ quan niệm lịch sử và những biểu hiện tôn kính bắt buộc do hoàn cảnh đối với “quan điểm giai cấp” và học thuyết của Stalin về “vòng vây của chủ nghĩa tư bản” mà sự tôn kính ấy chẳng hề có mối liên quan nào với thời cuộc Tarle đang sống. 

Những đánh giá mang tính tình cảm chủ quan của Tarle có thể thu hút không mạnh mẽ lắm độc giả hiện đại của tác phẩm Talleyrand vốn được viết nên không chỉ đơn thuần là rất tài tình mà còn là xuất sắc về mặt văn chương.

Điểm ưu việt của cuốn sách, theo ý kiến của tôi, là ở chỗ khác. 

Thứ nhất, ở việc diễn trình vai trò của Talleyrand với tư cách nhà chính trị và nhà ngoại giao trong thời gian gần năm mươi năm với những sự kiện mãnh liệt (mặc dù Tarle có nói thêm rằng sách của ông “không thể theo đuổi các mục đích trình bày một bức tranh hoàn toàn đầy đủ về các sự kiện”). Độc giả ở đây sẽ tìm thấy không ít các trang viết về những sự kiện (“một trăm ngày” của Napoléon, thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ đầu tiên ở Pháp, thời kỳ Talleyrand làm đại sứ ở London), những điều mà giới trẻ của chúng ta biết ít hoặc hầu như không biết đến.

Các phần về hoạt động do thám vốn làm lợi cho nước Nga của Talleyrand vào những năm 1808 - 1812 giống như truyện trinh thám hiện đại, hoạt động đó đã giúp Aleksandr I giảm nhẹ được rất nhiều cho việc chuẩn bị về mặt ngoại giao nhằm chống lại cuộc xâm lược của Napoléon (ký kết hiệp định hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển từ chiến tranh sang liên minh với nước Anh, làm suy yếu các đồng minh của Napoléon là Phổ và Áo10).

Thứ hai, điểm ưu việt của cuốn sách là ở vấn đề then chốt trong quá trình chuyển tiếp từ một nhà hoạt động chính trị của cách mạng sang phục vụ phản cách mạng (phục vụ Napoléon, nhà Bourbon). Riêng cá nhân tôi có cảm giác rằng một khi tính đến hoạt động trước đó của Tarle (đối lập với chế độ sa hoàng, phục vụ chính phủ lâm thời, hoạt động khoa học dưới thời Chính sách kinh tế mới (NEP), và cuối cùng là phục vụ chế độ độc tài của Stalin) thì các ám chỉ của viện sĩ mang tính chất hầu như là tự truyện.

Song cũng như trong câu chuyện về Talleyrand, không nên quy vấn đề đấu tranh và phục vụ các chế độ chỉ vì lợi ích cá nhân. Talleyrand (cũng như Tarle) trước hết là những “người hoạt động vì quốc gia”. Số phận của đất nước (chứ không phải số phận của giai cấp này hay giai cấp kia - tư sản hay là vô sản) - đó mới chính là mối quan tâm chính yếu đối với họ.

Với tư cách một chuyên gia rất xuất sắc về lịch sử nước Pháp, Tarle không thể không biết rằng vấn đề “cách mạng và nhà nước” đã luôn thu hút mối quan tâm của cả những bậc trí tuệ giỏi nhất của loài người từ thời Cách mạng Pháp. 

 Nhưng mặt khác, nếu như Tarle trở thành một Melgunov thì liệu hôm nay chúng ta có được các công trình như Talleyrand và Napoléon cùng những tác phẩm tuyệt vời khác của nhà viện sĩ mà các thế hệ thanh niên chúng ta vẫn đang say sưa đọc hay không?

Lược trích Lời giới thiệu của 
V. G. Sirotkin, Tiến sĩ khoa học lịch sử

 

Trích bìa 4 

”Tôi không thể hiểu nổi tại sao thời đại nào người ta cũng hiểu nhầm con người đó đến vậy! Người ta không hiểu rằng họ chỉ trích ông, thế là tốt, nhưng kém cỏi; thế là có đức hạnh, nhưng phi lý; những quở trách, bài xích này làm vinh dự cho nhân loại, nhưng không tôn vinh con người. Talleyrand bị lên án vì lẽ ông đã liên tục phản bội tất cả các đảng phái, tất cả các chính phủ. Đó là sự thật: ông đã chuyển từ Louis XVI sang chế độ Cộng hòa, từ chế độ Cộng hòa sang chế độ Đốc chính, rồi từ chế độ Đốc chính sang đến chế độ Tổng tài, từ chế độ Tổng tài đến Napoléon, từ Napoléon đến nhà Bourbon, từ nhà Bourbon đến nhà Orléans, và có thể, trước khi chết ông sẽ lại chuyển từ Louis-Philippe đến với chế độ Cộng hòa. Nhưng ông không tuyệt nhiên phản bội tất cả những chế độ và những con người ấy: ông chỉ rời bỏ mọi chế độ và con người như thế khi họ đang hấp hối. Ông ngồi bên giường bệnh của mỗi thời đại, mỗi chính phủ, luôn luôn bắt mạch của họ và nhận thấy sớm hơn tất cả bất kỳ ai khác là khi nào thì trái tim họ ngừng đập. Vào lúc đó ông vội vàng đi từ người đã khuất đến với người kế tục, trong khi những người khác cứ tiếp tục phục vụ cái xác một thời gian ngắn nữa. Chẳng lẽ đó lại là phản quốc? Chẳng lẽ Talleyrand tệ hơn những người khác vì ông thông minh hơn, kiên định hơn và tuân theo những điều tất yếu?”

(Trích: Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị)

 

2. Tác giả

Evgenij Viktorovič Tarle (1874 - 1955) là nhà sử học, học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông đồng thời là tiến sĩ danh dự của các trường đại học Sorbonne, Brno, Praha, Oslo, là viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Anh, viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Na Uy, Viện Hàn lâm Khoa học Chính trị và Xã hội Hoa Kỳ và là người sáng lập Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow.