SP012207

Thương hiệu:

NXB Tri Thức

Sách - Tự nghiệm

165,750đ

195,000đ

Thông tin kho hàng
Chi nhánh trung tâm

Số 35 phố Quang Trung, thị xã Sơn tây - Phường Quang Trung - Thị xã Sơn Tây - Hà Nội

3 sản phẩm có sẵn

Thông số sản phẩm

Tác giả Karen Horney
Người dịch Ngọc Đoan Trang
Thể loại Tâm lý học
Số trang 416
Khổ sách 13 x 20,5 cm
Loại bìa Mềm
Xuất bản NXB Kim Đồng
Năm XB: 2023
Mô tả chi tiết

Tự nghiệm

I. TÁC PHẨM

Phân tâm học ban đầu phát triển như một phương pháp trị liệu theo đúng nghĩa y học. Freud[1]khám phá ra rằng một số chứng rối loạn đã được định nghĩa nhưng không có cơ sở cơ bản dễ phát hiện ra - như chứng rối loạn phân li[2], chứng ám ảnh sợ hãi[3], chứng trầm cảm tuyệt vọng, chứng nghiện ma túy hay chứng rối loạn chức năng dạ dày - có thể được chữa trị bằng cách giải phóng những yếu tố vô thức đằng sau chúng. Theo thời gian, những rối loạn kiểu này được gọi chung là chứng loạn thần kinh. 

Sau một thời gian - tức khoảng ba mươi năm trở lại đây - các nhà tâm thần học nhận ra rằng những người mắc chứng loạn thần kinh không chỉ mang những biểu hiện triệu chứng này, mà họ bị lạc lối sâu sắc trong những vấn đề của cuộc sống. Các chuyên gia tâm thần còn công nhận rằng rất nhiều người mắc các chứng rối loạn nhân cách nhưng ở họ không có những triệu chứng mà trước đây được cho là đặc điểm của chứng loạn thần kinh. Nói cách khác, chúng ta dần hiểu rằng các triệu chứng loạn thần kinh có thể rõ ràng hoặc không, nhưng những rào cản về nhân cách thì luôn tồn tại. Do đó, kết luận tất yếu là những rào cản ít rõ ràng hơn này đã tạo nên cốt lõi của các chứng loạn thần kinh. 

Việc công nhận sự thật này đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển môn khoa học phân tâm, nó không chỉ làm tăng tính hiệu quả của phân tâm học mà còn mở rộng phạm vi của môn khoa học này. Các chứng rối loạn tính cách dễ thấy, chẳng hạn như một sự do dự cưỡng chế, một sự lựa chọn sai bạn bè hoặc người yêu lặp lại nhiều lần hay những ức chế nặng nề về công việc, đã trở thành một mục tiêu của phân tâm học giống như các triệu chứng lâm sàng tổng quát. Tuy nhiên, trọng tâm của mối quan tâm này không phải là nhân cách và tiềm năng phát triển trọn vẹn của nó; mục tiêu sau cùng hiển nhiên vẫn là thấu hiểu và loại bỏ các chứng rối loạn này, và phương pháp phân tích đặc điểm của nhân cách chỉ là cách thức để tiến đến mục tiêu đó mà thôi. Nếu toàn bộ quá trình phát triển của một cá nhân được diễn biến theo chiều hướng tốt hơn, thì đó chỉ là một phụ phẩm tình cờ không hơn. 

Phân tâm học vẫn đang và sẽ là một phương pháp trị liệu cho một số chứng loạn thần kinh. Hơn nữa, việc phân tâm học có thể là một phương tiện hỗ trợ quá trình phát triển tính cách nói chung đã giả định tầm quan trọng của lĩnh vực này. Giờ đây, con người ngày càng tìm đến phân tâm học nhiều hơn không phải vì họ mắc bệnh trầm cảm, các chứng sợ hãi ám ảnh hay các chứng rối loạn nào tương tự thế, mà bởi vì họ cảm thấy không thể đối mặt với cuộc sống, cảm thấy những nhân tố bên trong đang kìm hãm họ hay làm tổn hại quan hệ của họ với mọi người. 

Cùng số phận với những viễn cảnh trước đây được mở ra, ý nghĩa của định hướng mới này ban đầu được đánh giá quá cao. Người ta thường cho rằng điều trị bằng phân tâm học chỉ là phương pháp đẩy mạnh phát triển nhân cách. Hiển nhiên điều này là không đúng. Bản thân cuộc sống đã là sự hỗ trợ hiệu quả nhất cho quá trình phát triển của chúng ta. Cuộc sống đem đến cho chúng ta cả những khó khăn - chẳng hạn khi ta buộc phải rời khỏi quê hương, mắc bệnh thể chất hay có những khoảng thời gian cô độc - lẫn những món quà - như một tình bạn tốt, một tiếp xúc đơn thuần với một người tốt và hữu ích, hay sự hợp tác khi làm việc nhóm - tất cả những nhân tố như thế có thể giúp chúng ta đạt được tiềm năng trọn vẹn của chính mình. Không may là, sự hỗ trợ này cũng đem đến những bất lợi: những nhân tố hữu ích không phải lúc nào cũng đến lúc ta cần; những khó khăn có thể không chỉ là một thử thách cho sự linh hoạt và lòng dũng cảm của chúng ta, nó còn lấn át sức mạnh của chúng ta và chỉ chực chờ nghiền nát chúng ta; cuối cùng, chúng ta có thể mắc kẹt trong rào cản tâm lí quá sâu để tận dụng được những gì cuộc sống đem lại. Bởi phân tâm học không có những nhược điểm này - nó có những nhược điểm khác - nó xứng đáng nhận được vị trí là một phương pháp đặc trưng trong quá trình phát triển con người. 

Khi chúng ta đang sống trong một nền văn minh với những điều kiện phức tạp và khó khăn, những hỗ trợ như trên càng đặc biệt cần thiết. Nhưng kể cả khi đã được nhiều người biết đến hơn, thì trị liệu bằng phân tâm học chuyên nghiệp cũng hiếm khi tiếp cận được với những người cần nó. Vì lí do này mà vấn đề phương pháp tự nghiệm có ý nghĩa quan trọng. Phương pháp này không chỉ hữu ích mà còn rất khả thi trong việc “thấu hiểu chính mình”, hơn thế, còn được hỗ trợ rất lớn từ các phát hiện trong phân tâm học. Mặt khác, chính những phát hiện này đã hé lộ nhiều hơn bao giờ hết những rào cản bên trong, thứ cản trở một quyết tâm thấu hiểu đến cùng. Do đó, tính khiêm tốn cũng như niềm hi vọng là những yếu tố cần thiết trong bất kì cuộc tranh luận nào về tính khả thi của phương pháp tự nghiệm trong phân tâm học. 

Mục đích của cuốn sách này là nêu lên vấn đề tự nghiệm một cách nghiêm túc trên cơ sở suy xét kĩ lưỡng những khó khăn có thể đi kèm. Bên cạnh đó, tôi cũng mạo muội đưa ra một số lưu ý cơ bản về quá trình thực hiện, nhưng bởi có quá ít kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực phân tâm học để dẫn lối, nên mục đích của tôi chủ yếu là đặt ra vấn đề và khuyến khích các hoạt động hướng đến một sự tự nghiệm tích cực thay vì đưa ra bất kì câu trả lời dứt khoát nào. 

Trước hết, những thành quả sau quá trình tự nghiệm tích cực của một cá nhân có thể quan trọng với chính cá nhân đó. Nỗ lực này sẽ cho anh ta cơ hội tự nhận thức, không giới hạn ở quá trình tự phát triển năng khiếu bẩm sinh bị kìm nén, mà quan trọng hơn, là phát triển những tiềm năng như một con người lành mạnh, toàn vẹn và thoát khỏi các chứng rối loạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở đây còn có một tầm nhìn xa hơn thế. Một phần không thể thiếu của các tư tưởng dân chủ mà ngày nay chúng ta đấu tranh để đạt được chính là niềm tin rằng một cá nhân - giống như mọi cá nhân khác - nên phát triển toàn vẹn tiềm năng của mình. Phương pháp tự nghiệm không thể giải quyết những mặt tối của thế giới, nhưng ít nhất nó có thể tháo gỡ một vài xích mích và hiểu lầm, lòng căm thù, nỗi sợ hãi và tổn thương, những mặt tối mà bản thân chúng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả. 

Trong cuốn sách này, tôi sẽ trau chuốt hơn khuôn mẫu của [học] thuyết về chứng loạn thần kinh mà tôi đã giới thiệu ở hai cuốn sách trước. Tôi sẵn lòng không đề cập đến những quan điểm mới cùng những phát biểu rập khuôn này ở đây, nhưng dường như thật không đúng đắn khi giữ lại bất cứ điều gì có thể hữu ích cho quá trình tự nghiệm. Tuy nhiên, tôi đã cố trình bày các vấn đề một cách đơn giản nhất có thể mà không lạc đề. Bản chất vô cùng phức tạp của các vấn đề trong phân tâm học là một sự thực không thể và không được phép che giấu, nhưng với sự lưu tâm trọn vẹn về tính phức tạp đó, tôi đã cố không làm nó phức tạp hơn bằng những thuật ngữ lộn xộn. 

Cuối cùng tôi xin bày tỏ sự cảm kích đến cô Elizabeth Todd vì sự hiểu biết sắc sảo của cô giúp tôi trong quá trình lên ý tưởng. Cảm ơn thư kí của tôi, bà Marie Levy vì những nỗ lực không ngừng nghỉ. Đồng thời, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn tới những bệnh nhân đã cho phép tôi xuất bản những trải nghiệm của họ trong quá trình tự nghiệm. 


II. TÁC GIẢ 

Karen Horney, tên thời con gái là Karen Danielsen, sinh ngày 16 tháng 9 năm 1885 tại Đức, mất ngày 4 tháng 12 năm 1952 tại Hoa Kì. Bà lớn lên trong một gia đình có cha là người độc đoán, còn mẹ thì rất nho nhã và lịch sự. Những vấn đề trong gia đình và cách đối xử hà khắc của người cha phần nào ảnh hưởng đến tính cách, cuộc đời và sự nghiệp của Karen sau này. 

Bà theo học Y khoa tại các trường Đại học Freiburg, Götingen và Berlin, một việc gần như thách thức mọi định kiến xã hội lúc bấy giờ. Trong thời gian theo học và thực hành y khoa, bà bắt đầu quan tâm đến phân tâm học. Bà từng cộng tác với Karl Abraham, đệ tử ruột của Sigmund Freud (1913-1915). Sau đó, bà đi sâu vào lĩnh vực tâm thần lâm sàng liên quan đến các bệnh viện ở Berlin, cũng như tham gia giảng dạy tại Viện Phân tâm học Berlin mới thành lập. 

Cuộc li hôn giữa bà và người chồng đầu tiên, Oscar Horney, cùng với cái chết của bố mẹ và người anh trai đã khiến Karen suy sụp và từng gặp vấn đề về tâm lí. Năm 1926, bà cùng con gái dọn đến Hoa Kì và định cư ở Brooklyn. Trong thời gian này, bà quen Erich Fromm, một nhà khoa học người Do Thái cũng di cư đến Hoa Kì, nhưng mối quan hệ cũng kết thúc trong buồn rầu. Cũng trong thời gian này, từ trải nghiệm và hiểu biết của bản thân, bà đã xây dựng nên học thuyết của riêng mình về loạn thần kinh. 

Học thuyết của Karen về loạn thần kinh và phân tâm học được phát triển trên nền móng của Freud. Dẫu thế, bà không đồng ý với một số quan điểm của Freud về tâm lí phụ nữ, người cho rằng đây là một nhánh của tâm lí nam. Quan điểm tâm lí tính nữ của bà thẳng thắn bác bỏ thuyết Đố kị Dương vật của Freud, và cho rằng những khác biệt về tâm lí của đàn ông và phụ nữ xuất phát từ xã hội và văn hóa, chứ không phải sinh học. Các sự kiện văn hóa và xã hội cũng sẽ giải thích rõ ràng hơn những khái niệm kinh điển về ham muốn tình dục, bản năng chết và phức cảm Oedipus của Freud. Bà được coi là một trong những người đặt nền móng cho trường phái “Tân Freud”. 

Việc Karen Horney phản bác tâm lí học của Freud khiến bà bị đuổi khỏi Viện Phân tâm học New York năm 1941. Bà đã không ngần ngại thành lập hiệp hội Tạp chí Phân tâm học Hoa Kì, tiếp tục giảng dạy tại Đại học New York và hoạt động trong ngành tâm thần cho tới cuối đời. Năm 1953, một năm sau khi bà mất, quỹ Karen Horney được thành lập, và Karen Horney Clinic được mở ra vào năm 1955. 

Karen Horney đã viết nhiều cuốn sách đáng quý về loạn thần kinh và phân tâm học. Một số cuốn sách vẫn đang được in ấn và phát hành là Neurosis and Human Growth (Tạm dịch: Loạn thần kinh và sự phát triển của con người), Are you considering Psychoanalysis(Tạm dịch: Bạn có đang nghĩ về phân tâm học không?), Our Inner Conflicts (Tạm dịch: Những xung đột bên trong chúng ta), Self-analysis (Tự nghiệm), New Ways in Psychoanalysis (Tạm dịch: Những con đường mới dẫn đến phân tâm học), Feminine Psychology (Tạm dịch: Tâm lí học tính nữ), The Neurotic Personality of our Time (Tạm dịch: Nhân cách loạn thần kinh trong thời đại của chúng ta),…

Tự nghiệm xuất bản năm 1942, là một trong những cuốn sách góp phần thể hiện quan điểm mới mẻ của Karen về tính cách và những vấn đề của con người. Bà cho rằng, bản thân mỗi người đều có khả năng tháo gỡ những vấn đề của bản thân nếu được hướng dẫn đúng cách, cùng với sự hỗ trợ (hoặc không) của một nhà trị liệu. Đó là một cách tiếp cận hiện đại  thời điểm bấy giờ và vẫn giữ được giá trị cho đến ngày nay. Cùng với các cuốn sách khác, Karen Horney đã giúp chúng ta đến gần hơn với phân tâm học, có một cái nhìn công bằng hơn về giới tính, cũng như nguyên nhân và động lực của chứng loạn thần kinh. Hi vọng độc giả Việt Nam sẽ có cơ hội đọc các cuốn sách khác của bà trong thời gian tới.

 


[1] Sigmund Freud (1856-1939): nhà thần kinh học người Áo, cha đẻ của Phân tâm học. 

[2] Rối loạn phân li (hysterical convulsion): hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.

[3] Ám ảnh sợ hãi (phobias): một loại rối loạn lo âu, thường được định nghĩa như là nỗi sợ hãi dai dẳng đối với một đối tượng hoặc một tình huống mà người đó luôn cố gắng tránh né, thường không liên quan đến sự nguy hiểm trong thực tế và được công nhận là sợ hãi vô lí.